Đền bù theo sổ đỏ

Thời gian qua, nhiều người dân ở xã Linh Trường, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, nơi có dự án cao tốc Vạn Ninh – Cam Lộ đi qua tỏ thái độ không hài lòng với việc chi trả đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB) cho gia đình bà Lưu Thị Thìn (SN 1960) và ông Nguyễn Khắc Phụ (SN 1957, cùng trú thôn Bến Hà, xã Linh Trường).

Khu vực thửa đất 133, tờ bản đồ số 7 được cấp cho bà Lưu Thị Thìn. Khu vực này hiện đã giải phóng mặt bằng để thi công cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ, sau khi đền bù cho bà Thìn hơn 6,5 tỷ đồng. Ảnh: Ngọc Vũ.

Theo hồ sơ do Hội đồng GPMB đường cao tốc huyện Gio Linh cung cấp cho PV Dân Việt, hộ bà Thìn, ông Phụ được đền bù tổng số tiền hơn 6,5 tỷ đồng khi nhà nước GPMB diện tích đất, cây cối hoa màu, vật kiến trúc… ở thôn Bến Hà, xã Linh Trường để thi công cao tốc Vạn Ninh – Cam Lộ. Trong đó có hơn 1,84 tỷ đồng đền bù diện tích 2.272 m2 đất (400m2 đất ở vị trí 1 và 1.872m2 đất trồng cây hàng năm khác) tại thửa 133, tờ bản đồ số 7, thuộc thôn Bến Mộc 2, xã Linh Thượng (nay là thôn Bến Hà, xã Linh Trường).

Theo cán bộ Hội đồng GPMB đường cao tốc huyện Gio Linh, hội đồng này căn cứ vào sổ đỏ của bà Thìn, ông Phụ (số vào sổ cấp giấy chứng nhận CH 00441, ngày 31/12/2019) do UBND huyện Gio Linh cấp để đền bù.

Tìm hiểu hồ sơ cấp sổ đỏ CH 00441, PV Dân Việt nhận thấy có một số điểm bất thường. Cụ thể, ngày 26/6/2015, bà Lưu Thị Thìn viết đơn đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất tại thừa số 133, tờ bản đồ số 7 nêu trên.

Trong đơn bà Thìn khai, nguồn gốc sử dụng thửa đất 133 là khai hoang và làm nhà năm 1998. Ngày 5/8/2015, ông Trần Văn Đới - công chức địa chính và ông Hồ Văn Truyền - Chủ tịch UBND xã Linh Thượng xác nhận bà Thìn khai đúng sự thật. Ngày 12/4/2019, cơ quan đăng ký đất đai xác nhận đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà Thìn, ông Phụ tại thửa đất 133.

Trong đơn đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất tại thừa số 133, tờ bản đồ số 7, bà Thìn khai nguồn gốc sử dụng là khai hoang và làm nhà năm 1998. Ảnh: Ngọc Vũ.

Đi kèm hồ sơ có phiếu lấy ý kiến khu dân cư thôn Bến Mộc 2, xã Linh Thượng về nguồn gốc và thời điểm sử dụng đất của vợ chồng bà Thìn, được lập vào ngày 8/7/2015.

Theo tờ phiếu này, thành phần cuộc họp gồm: ông Hồ Hồng Thảo, thời điểm đó là trưởng thôn Bến Mộc 2, chủ trì cuộc họp; ông Trần Văn Đới, lúc đó là cán bộ địa chính xã Linh Thượng (nay là cán bộ địa chính xã Gio An, Gio Linh); chủ sử dụng đất là bà Lưu Thị Thìn.

Ngoài ra còn có 4 người dân gồm: Hồ Văn Sanh, Hồ Thị Bui, Hồ Xuân Ngữ và Hồ Văn Đin, trú cùng thôn Bến Mộc 2. Đặc biệt chú ý, phiếu lấy ý kiến khu dân cư ghi rõ 4 người này đã từng cư trú cùng thời điểm bắt đầu sử dụng vào mục đích hiện nay của thửa đất 133.

Theo phiếu này, nội dung cuộc họp thống nhất xác định, nguồn gốc sử dụng đất tại thửa 133 là do bà Thìn khai hoang và làm nhà năm 1998.

Ngày 5/8/2015, phiếu lấy ý kiến khu dân cư nêu trên được ông Hồ Văn Truyền - Chủ tịch UBND xã Linh Thượng xác nhận.

Điểm bất thường ở phiếu lấy ý kiến khu dân cư

Từ việc UBND xã Linh Thượng xác nhận nguồn gốc đất, các cơ quan liên quan đã thẩm tra, lập hồ sơ thực hiện các bước tiếp theo để cấp sổ đỏ cho bà Thìn, ông Phụ. Tuy nhiên, PV Dân Việt đã phát hiện điểm bất thường ở phiếu lấy ý kiến khu dân cư nêu trên.

Những người có tên trong phiếu lấy ý kiến của khu dân cư cho biết, họ không ký vào phiếu này, đề nghị cơ quan chức năng làm rõ vụ việc. Ảnh: Ngọc Vũ.

Cụ thể, năm 1994, chị Hồ Thị Bui được sinh ra ở thôn Xóm Cồn (xã Vĩnh Trường, sau sáp nhập thành xã Linh Trường). Năm 2013, chị Bui mới chuyển đến nhà chồng ở thôn Bến Mộc 2 để sinh sống. Thế nhưng, tại phiếu lấy ý kiến khu dân cư thể hiện, chị Bui ký xác nhận bà Thìn đã khai hoang và làm nhà năm 1998.

Trả lời PV Dân Việt, chị Bui cho biết, chưa bao giờ ký vào phiếu lấy ý kiến khu dân cư để xác nhận nguồn gốc đất cho bà Thìn. Bởi lẽ, năm 2013 chị mới đến thôn Bến Mộc 2 để ở thì làm sao biết được chuyện 15 năm trước (năm 1998).

Anh Hồ Xuân Ngữ (SN 1993), anh Hồ Văn Đin (SN 1991), anh Hồ Văn Sanh (SN 1987) cũng cho biết, không ký vào phiếu lấy ý khu dân cư nêu trên. Bởi vì năm 1998, anh Ngữ 5 tuổi, anh Đin mới 7 tuổi, không đủ nhận thức, trí nhớ để biết việc bà Thìn khai hoang, làm nhà. Trong 4 người, anh Sanh lớn tuổi nhất, nhưng năm 1998, anh Sanh chỉ mới 11 tuổi.

Chị Hồ Thị Bui và các anh Hồ Văn Sanh, Hồ Văn Ngữ, Hồ Văn Đin khẳng định với PV Dân Việt rằng, họ không hề ký vào phiếu lấy ý kiến khu dân cư để xác định nguồn gốc sử dụng đất cho bà Lưu Thị Thìn. Ảnh: Ngọc Vũ.

Ông Hồ Hồng Thảo (SN 1981) - người chủ trì cuộc họp trong phiếu lấy ý kiến khu dân cư cho biết, chưa bao giờ ký vào nội dung xác nhận nguồn gốc sử dụng đất cho bà Thìn là khai hoang và làm nhà năm 1998.

Theo ông Thảo, khoảng năm 1994 – 1995, nhiều người dân ở thôn Bến Mộc 2 đã trồng cây bạch đàn trên thửa đất số 133. Sau đó vài năm, những người dân này tình nguyện hiến đất để làm khu rừng ma. Rừng ma là nơi chôn cất người đã mất của người dân nhiều thôn thuộc xã Linh Thượng.

Ông Thảo cho thông tin, người dân không bao giờ đồng ý cấp sổ đỏ cho bà Thìn ở thửa đất số 133, bởi đó là đất do nhiều người hiến tặng để làm rừng ma, là quỹ đất chung. Năm 1998, bà Thìn không có mặt ở thửa đất 133, chưa sinh sống ở thôn Bến Mộc 2. Vì vậy, phiếu lấy ý kiến khu dân cư thể hiện bản thân ông và nhiều người khác ký xác nhận bà Thìn khai hoang và làm nhà năm 1998 trên thửa đất 133 cần phải kiểm tra lại.

"Cơ quan chức năng cần vào cuộc kiểm tra lại vụ việc này để bà con được rõ" – ông Thảo nói.

Ông Hồ Văn Dung (70 tuổi) - bậc cao niên ở thôn Bến Hà cho biết, bà Thìn đã lấn chiếm đất rừng ma. Ảnh: Ngọc Vũ.

Ông Hồ Văn Dung (70 tuổi, trú thôn Bến Hà, Linh Trường) – nguyên xã đội trưởng xã Linh Thượng, nay là chi hội trưởng Hội Cựu chiến binh thôn cho biết, cứ 10 năm một lần, toàn bộ dân bản ở xã sẽ thực hiện nghi thức cúng rừng ma bằng 1 con trâu. Việc người dân hiến đất để làm rừng ma dân bản ở xã đều biết. Ông Dung khẳng định, bà Thìn lấn chiếm đất rừng ma của thôn nhưng vẫn được cấp sổ đỏ khiến người dân bức xúc.

PV Dân Việt tìm gặp bà Lưu Thị Thìn vào sáng 18/6. Lúc đầu, bà Thìn cho biết, vợ chồng bà đến thôn Bến Mộc 2 sinh sống làm nhà trên thửa đất số 133 vào năm 2001 hoặc đầu năm 2002. Khi PV cho bà Thìn xem hồ sơ xác nhận của UBND xã và phiếu lấy ý kiến khu dân cư xác nhận, vợ chồng bà Thìn khai hoang và làm nhà năm 1998, đôi vợ chồng này tỏ ra bất ngờ.

"98, làm gì có chuyện 98" – bà Thìn nói.

Sau khi PV Dân Việt nêu ra điểm bất thường rằng, năm 2001 bà Thìn mới đến ở thôn Bến Mộc 2, tại sao phiếu lấy ý kiến khu dân cư và UBND xã xác nhận bà khai hoang và làm nhà năm 1998 thì bà Thìn nói rằng, năm 1998 chỉ làm cái lều tạm, nhỏ như cái chuồng vịt? Vợ chồng bà Thìn còn cho rằng, những người dân phản ánh vụ việc là do "ghen ăn tức ở" số tiền bà được đền bù GPMB.

Cần kiểm tra, trả lời cho dân

Trả lời PV Dân Việt, ông Hồ Văn Truyền – Chủ tịch UBND xã Linh Trường cho biết, việc ký xác nhận nguồn gốc sử dụng đất cho bà Thìn là do cán bộ địa chính xã tham mưu. Ngoài phiếu lấy ý kiến khu dân cư, UBND xã không có thêm bằng chứng nào để chứng minh bà Thìn khai hoang và làm nhà năm 1998.

Trên địa bàn thôn Bến Mộc 2 không có ai trùng tên với anh Sanh, chị Bui, anh Ngữ và anh Đin.

Trong phiếu lấy ý kiến khu dân cư có tên ông Hồ Hồng Thảo với nhiệm vụ trưởng thôn, chủ trì cuộc họp. Tuy nhiên, ông Thảo cho biết, chưa bao giờ ký xác nhận nguồn gốc đất cho bà Thìn là khai hoang và làm nhà năm 1998. Ảnh: Ngọc Vũ.

Ông Trần Văn Đới – cán bộ địa chính xã Gio An cho biết, năm 2015 ông làm cán bộ địa chính xã Linh Thượng. Việc lấy kiến khu dân cư nói trên do ông Thảo mời người dân đến và chủ trì cuộc họp.

PV hỏi, trước khi tiến hành cuộc họp có kiểm tra giấy tờ tuỳ thân như chứng minh nhân dân của 4 người dân được lấy ý kiến không?. Ông Đới trả lời là không, chỉ kiểm tra bằng hỏi miệng.

Nhận được phản ánh của PV Dân Việt về những bất thường trong hồ sơ cấp sổ đỏ cho bà Lưu Thị Thìn, ông Võ Đắc Hoá – Chủ tịch UBND huyện Gio Linh cho biết, sẽ chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm tra lại.

Luật sư Đặng Quang Linh – Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Trị cho biết, trường hợp không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Khoản 2, Điều 21, Nghị định 43/2014 của Chính phủ, hoặc trên giấy tờ đó không ghi rõ thời điểm xác lập giấy tờ và mục đích sử dụng đất thì phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về thời điểm bắt đầu sử dụng đất và mục đích sử dụng đất trên cơ sở thu thập ý kiến của những người đã từng cư trú cùng thời điểm bắt đầu sử dụng đất của người có yêu cầu xác nhận trong khu dân cư nơi có đất. Việc lấy ý kiến khu dân cư thực hiện theo mẫu 05/ĐK.

Theo luật sư Linh, muốn lấy ý kiến khu dân cư thì cơ quan tổ chức phải mời cấp uỷ thôn, chính quyền, những người có chức sắc, lớn tuổi, sống lâu năm ở địa phương, các hội, đoàn thể liên quan.

"Một người sinh năm 1994, ở địa phương khác mà xác nhận cho một người khác khai hoang đất, làm nhà năm 1998 không ai tin được. Phải là những người cao niên, minh mẫn, sống lâu ở địa phương mới biết. Trong trường hợp này, đất người dân trồng cây, sau đó hiến đất cho thôn, bản làm rừng ma, chôn cất người mất, vậy phải lấy ý kiến toàn dân" – luật sư Linh nói.

Luật sư Linh cho biết thêm, nếu xác định sổ đỏ đã cấp không đúng nguồn gốc sử dụng đất, hồ sơ thủ tục có sai sót, có ý làm giả, lừa dối thì toàn bộ hồ sơ bị vô hiệu, cơ quan có thẩm quyền phải thu hồi sổ đỏ theo điểm d, Khoản 2, Điều 106, Luật Đất đai 2013, đồng thời cần kiểm tra, làm rõ vụ việc.